Trong tập san lần này, tôi muốn chia sẻ cùng các thầy cô về “SỰ THAY ĐỔI” trong công việc giảng dạy của chúng ta. Suốt quá trình đi làm việc với các trường và các thầy cô giáo, tôi nhận thấy một điều ai cũng khát khao về những “đổi mới và sáng tạo”. Mọi người cũng hăm hở học, đọc, thử, làm, rồi rút kinh nghiệm,… nhưng rồi ai cũng bảo: “Sao tôi đã làm thử mà không thành công” hay “Thầy nói thì hay đấy nhưng sao khi thực hành thì không làm được đâu”, cũng có người thì nói “Rằng hay thì thật là hay, nghe sao ngậm đắng nuốt cay thế nào”… Đại loại và đại khái là như vậy.
Và tôi muốn mượn ý tưởng “chiếc bánh xe” trong cuốn sách “Từ tốt đến vĩ đại – Good to great” của Jim Collins để giải thích về điều này:
Thầy cô hãy tưởng tượng trước mặt là một chiếc bánh xe to lớn và nặng nề, làm bằng kim loại, với một trục có đường kính khoảng 10m, dày 0,5m và nặng tới 2,5 tấn. Bây giờ nhiệm vụ của thầy, cô là làm cho chiếc bánh xe này quay thật nhanh và thật lâu.
Dùng hết sức để đẩy, thầy cô buộc chiếc bánh đà phải tiến tên, ban đầu còn chưa cảm nhận được sự dịch chuyển. Thầy cô cứ đẩy tiếp và sau hai hay ba giờ liên tục gắng sức, buộc chiếc bánh đà phải đi được một vòng.
Thầy cô vẫn cứ tiếp tục đẩy, và chiếc bánh đà bắt đầu đi nhanh hơn, và với nỗ lực bền bỉ, chiếc bánh đà đi được một vòng nữa. Cứ đẩy theo một hướng nhất định. Ba vòng… rồi bốn… rồi năm chiếc bánh đà đã chuyển động nhanh hơn… bảy… tám… bạn tiếp tục đẩy chín… mười… nó bắt đầu có đà… mười một… mười hai, mỗi lần lại quay nhanh hơn rồi … hai mươi… ba mươi… năm mươi… rồi một trăm.
Và rồi, vào thời điểm đột phá, chiếc bánh đà bắt đầu hoạt động thật trơn tru, theo đà đi tới từng vòng, từng vòng một… vút! Chính sức nặng của nó đang tự vận hành. Thầy cô không cần phải đẩy mạnh quá nữa, nhưng chiếc bánh đà vẫn đi ngày càng nhanh hơn. Mỗi vòng quay của chiếc bánh đà dựa vào phần lực đã có từ vòng trước, sự đầu tư sức lực cộng hưởng. Nhanh hơn một ngàn lần, rồi 10 ngàn lần, rồi một trăm ngàn lần. Chiếc đĩa nặng nề bay về phía trước với sức mạnh không gì cản nổi.
Bây giờ giả dụ có ai đến và hỏi: “Nhờ vào lần đẩy nào mà chiếc bánh đà này đi nhanh thế?”
Chắc thầy cô sẽ không trả lời được câu hỏi này. Đây là một câu hỏi rất khó để có thể đưa ra được câu trả lời. Phải chăng là lần đẩy đầu tiên? Hay thứ hai? Hay thứ năm? Hay thứ một trăm? Đều không phải. Đó là kết quả của tất cả các lần đẩy cộng lại trong một nỗ lực tích lũy theo một hướng nhất định. Có những lần đẩy có thể là mạnh hơn, nhưng bất cứ một sức mạnh đến mấy cũng chỉ thể hiện một phần nhỏ trong toàn bộ sức lực tích lũy dồn lên chiếc bánh đà.
Hình ảnh chiếc bánh xe là biết hiện cho những băn khoăn và thắc mắc của các thầy cô. Cho dù kết quả của công việc giảng dạy có phi thường đến thế nào thì việc chuyển đổi hay thay đổi phương pháp, thói quen cũng không thể diễn ra được trong một cú hích, một hành động đơn giản trong một nốt nhạc. Không có một sự thay đổi kì diệu nào, không có một cuộc cách mạng đẫm máu nào và cũng không có một chủ trương đường lối nào có thể thay đổi được công việc giảng dạy của các thầy cô ngay lập tức. Quá trình thay đổi này sẽ diễn ra từng bước một, từng hành động một, từng việc làm một, từng cố gắng và nỗ lực của mỗi thầy cô… Tất cả sẽ tạo nên sự thay đổi THỰC SỰ trong công việc giảng dạy của chúng ta để tạo nên những kết quả tuyệt vời và bền vững đối với học sinh.
Số tập san tháng 5 này ra đời, như một cú hích, cộng hưởng cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ của các thầy cô để góp phần xoay chuyển “bánh xe giáo dục”. Tôi vẫn tin rằng khi tôi và các thầy cô – chúng ta cùng gắng sức, cùng nỗ lực chắc chắn sẽ mang đến những thay đổi để một ngày kia bánh xe ấy có thể vận hành được một cách tự thân.