Là một người giáo viên hiện đại, mỗi chúng ta đều không ngừng nỗ lực học hỏi về kiến thức chuyên môn đồng thời cũng mở rộng vốn hiểu biết về các tư tưởng, triết lý giáo dục, các xu thế phát triển của giáo dục trên thế giới. Và đơn giản nhất là làm sao để xây dựng được mối quan hệ tích cực với học sinh trong lớp học, giúp các các con tiến bộ trong học tập và bớt phần ‘hoang mang’ trong một nền giáo dục đang chuyển mình. 5 cuốn sách mà chúng tôi giới thiệu dưới đây sẽ giúp các thầy cô có thêm những kinh nghiệm giảng dạy, chuẩn bị tốt hơn cho năm học mới,
1. Emile hay là về giáo dục – Jean-Jacques Rousseau
-Cuốn sách triết học – triết lý giáo dục có ảnh hưởng nhất trong lịch sử châu Âu hiện đại
– Dịch giả: Lê Hồng Sâm, Trần Quốc Dương
– Nhà xuất bản Tri thức
Thuộc thể loại sách kinh điển, cuốn sách là một câu chuyện giả tưởng về cậu bé Émile được người thầy giáo dục từ khi mới ra đời đến khi trưởng thành và trở thành một “công dân lý tưởng”. Với tư tưởng rằng giáo dục cần làm sao để có thể đưa con người trở về cái “thiên chân” của họ, thay vì một nền giáo dục lý tính làm méo mó, và khiến con người càng ngày càng rời xa bản chất, con người thực sự của mình, Rousseau đã phác họa một triết lý và phương pháp giáo dục giúp phát triển “con người tự nhiên”, và đồng thời qua đó để thể hiện tư tưởng về một xã hội toàn diện của ông.
Những quan điểm giáo dục của Rousseau dù còn nhiều mâu thuẫn, nghịch lý gây tranh luận nhưng nó có ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự hình thành các phương pháp giáo dục xem trọng tâm lý lứa tuổi, năng lực và tính cách của mỗi cá nhân sau này (như phương pháp của Montessori, Dewey…). Những nguyên lý ông đưa ra cũng rất phù hợp với giáo dục hiện đại, khi cho rằng giáo dục phải là chú trọng vào ‘chủ thể’ (tức là học trò của mình), và vì không hiểu ‘chủ thể’ nên người giáo viên sẽ luôn áp đặt: “thay vì giúp ta tìm ra các chứng minh, người ta đọc cho ta viết các chứng minh ấy; thay vì dạy ta lập luận, ông thầy lập luận hộ ta và chỉ rèn luyện trí nhớ của ta thôi”. “Vấn đề không phải là dạy các môn khoa học, mà là đem lại cho người học hứng thú để yêu khoa học và đem lại phương pháp để học những môn đó, khi hứng thú này phát triển hơn nên. Chắc chắn đó là một nguyên lý cơ bản của bất kỳ nền giáo dục tốt nào.”
Tác phẩm của Rousseau không hề dễ hiểu và không phải người giáo viên nào cũng cần phải nghiên cứu, nghiền ngẫm toàn bộ công trình đồ sộ này của ông nhưng việc đọc, tìm hiểu, suy nghĩ về lối tư duy và lập luận trong tác phẩm (cùng với Cộng hòa của Plato, Dân chủ và giáo dục của Dewey) sẽ tạo nên một nền tảng trí tuệ tuyệt vời cho bất kỳ cuộc thảo luận nào về giáo dục, cũng như thay đổi tư tưởng người giáo viên và cuối cùng là việc dạy học.
2. Lớp học đột phá – Clayton M.Christensen, Michael B.Horn, Curtis W.Johnson
– Mô hình cải cách giáo dục hiện đại
– Dịch giả: Nguyễn Dương Hiếu, Lương Ngọc Phương Anh, Đặng Nguyễn Hiếu Trung
– Nhà xuất bản Trẻ
Không hề sáo rỗng và lý thuyết suông, không hề rắc rối và khó hiểu, Lớp học đột phá là một cuốn sách bàn về cải cách trường học hứa hẹn đem lại nhiều ý tưởng cho những nhà cải cách giáo dục. Những vấn đề tác giả đặt ra trong cuốn sách đều là những vấn đề đang xảy ra và rất gần gũi với thực tiễn giáo dục tại Việt Nam:
• Tại sao nhà trường gặp khó khăn để dạy theo những cách khác nhau khi mà mỗi học sinh đều là những cá thể riêng biệt?
• Hệ thống “Lấy học sinh làm trung tâm”
• Tại sao quá nhiều học sinh không có động lực học tập?
Khi mà các trường học đang phải vật lộn để phát triển thì đâu là lý do thực sự? Là do thiếu kinh phí? Do không đủ máy tính trong lớp học? Lỗi của phụ huynh và học sinh? Hay phương pháp giảng dạy? Khác hơn nữa là cách chúng ta đánh giá trường học phải chăng chưa chuẩn?
Không chỉ dừng lại ở bàn luận thông thường, cuốn sách đã giải thích vì sao và làm như thế nào để tạo nên động lực học tập từ bên trong, đưa công việc học tập trở thành một trải nghiệm với người học, cũng như lý giải tại sao giải pháp thành công ở một số tổ chức lại không thể thực thi ở nơi khác? Nguyên nhân có phải là ở người giáo viên thực hiện hay nằm ở người quản lý?
Bằng lối tư duy khoa học rõ ràng, từ góc nhìn ngoài trường học và phương pháp nghiên cứu đổi mới (innovation research), cuốn sách được trình bày vô cùng logic, mạch lạc và thú vị với bất cứ ai quan tâm tới đổi mới, cải cách, kể cả không phải trong ngành giáo dục.
3. Những đứa trẻ thông minh nhất thế giới – Amanda Riple
– Khuyến nghị cho giáo viên, phụ huynh và các nhà quản lý giáo dục
– Dịch giả: Thảo Nguyên
– Nhà xuất bản Dân trí, 2015
Trong “Những đứa trẻ thông minh nhất thế giới”, Amanda Ripley đã cùng với ba du học sinh Mỹ theo học chương trình trao đổi học sinh một năm tại các trường trung học thuộc ba hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới: Phần Lan, Hàn Quốc và Ba Lan. Ý định của cô là khám phá những bí mật sự thành công, và suy nghĩ lâu dài về những gì người Mỹ có thể học hỏi từ những cường quốc giáo dục này.
Phần Lan, Hàn Quốc và Ba Lan là ba trong số những nước có điểm PISA cao nhất thế giới, và sự thành công của họ có được nhờ ứng dụng các mô hình đầu tư phát triển giáo dục khác nhau, phù hợp với thực tế của mỗi nước và đem lại những thành quả khác nhau.
• Phần Lan chú trọng vào người thầy
• Ba Lan nhanh chóng và linh hoạt trong áp dụng cải cách giáo dục
• Hàn Quốc có các hagwon – một kiểu dịch vụ học thêm tư nhân
Trong cuốn sách này, tác giả đánh giá cao nhất sự thành công của nền giáo dục Phần Lan và chỉ ra nguyên nhân cho sự thành công đó đến từ động lực học tập của học sinh và những người giáo viên. Giáo viên chính là những nhân tố quyết định quan trọng nhất. Khác với nhiều quốc gia, tại đất nước này, việc trở thành nhà giáo rất được chú trọng, giáo viên được tuyển chọn hết sức khắt khe, đào tạo một cách nghiêm ngặt nhất, và đối xử như các chuyên gia. Họ cho rằng “cách duy nhất để nghiêm túc về giáo dục là lựa chọn giáo viên có trình độ cao, những người giỏi nhất và thông minh nhất trong mỗi thế hệ.” Amanda nhận định: “Đó là một chiến lược hoàn toàn cấp thiết mà ít quốc gia làm được.” Ngoài ra, để cung cấp cho trẻ em một nền giáo dục đẳng cấp thế giới thì rất cần phải nhấn mạnh sự nghiêm khắc về học thuật và đặt ra những kỳ vọng cao cho trẻ chứ không phải là nâng niu, chiều chuộng chúng.
Cuốn sách không chỉ dành cho các nhà hoạch định chính sách giáo dục, mà nó còn giúp thầy cô, cha mẹ có cái nhìn tổng quan hơn về các mô hình giáo dục, biết lựa chọn trường học, triết lý giáo dục, phương pháp giáo dục… phù hợp nhất với học sinh và con em mình.
4. Nói sao cho trẻ chịu học ở trường và ở nhà – Adele Faber, alaine mazlish
– Xây dựng mối quan hệ giao tiếp tích cực giữa giáo viên và học sinh
– Dịch giả: Trần Thị Hương Lan
– Nhà xuất bản Tri thức, 2017 (TB)
Nội dung cuốn sách là quá trình một cô giáo trẻ cùng nhóm các đồng nghiệp chia sẻ, thảo luận, xây dựng các tình huống và tìm ra cách để giúp việc giao tiếp với học sinh trở nên hiệu quả nhất. Thế nên, thay vì những lý thuyết phân tích tâm lý sa đà cuốn sách tập trung phần lớn vào các bài thực hành cụ thể, những thông điệp bằng lời nói tích cực giúp thầy cô và cha mẹ tìm ra phương thức giao tiếp hiệu quả với con trẻ.
Có không ít giáo viên sẽ tỏ ra băn khoăn:
• Trách nhiệm xử lý những cảm xúc của học sinh là của tôi à? Đó chẳng phải là công việc của người tư vấn tâm lý sao? Tôi còn chẳng đủ thời gian để giảng bài nữa.
• Tôi chẳng nghe được điều gì khi hỏi học sinh của mình về cảm xúc của chúng. Chúng thường đáp, “Em không biết!” Tại sao lại thế?
• Khi thừa nhận những cảm xúc tiêu cực của học sinh có khiến cho học sinh hiểu hiểu nhầm đó là sự đồng ý?
Thực tế những vấn đề về hành vi của học sinh phần lớn đều xuất phát từ những tình cảm, cảm xúc chưa được thừa nhận đúng cách của chúng, cũng như bởi mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh. Và học sinh chỉ có thể tập trung, phát huy một cách tích cực, sáng tạo tư duy những vấn đề cảm xúc của chúng được giải quyết một cách triệt để.
Hơn hết tất cả các kỹ thuật dạy học thì cách tốt nhất để có thể chạm đến trái tim của học sinh, khơi gợi trong chúng những niềm cảm hứng học tập là niềm say mê học tập và tình cảm chân thành nhất xuất phát từ chính các thầy cô.
5. Người thầy – Hồi ức của một nhà giáo Mỹ – Amanda Ripley
– Dạy học thực sự là một đặc ân
– Dịch giả: Lê Chu Cầu
– Nhà xuất bản Dân trí, 2016
(Tôi đã yêu người thầy và lũ trẻ ngay từ những trang sách đầu tiên.)
Bạn bước vào lớp, và chào đón bạn không phải là một lớp học trật tự, các học sinh ngồi ngoan ngoãn chờ đón những lời chỉ dạy của bạn. Không hề. Đó là những gì bạn và cả tác giả cuốn sách này tưởng tượng ra khi bắt đầu bước vào công việc giảng dạy và ông đã gặp từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.
“Các giáo sư về sư phạm ở Đại học New York chưa hề dạy chúng tôi cách giải quyết tình huống ném bánh mì. Họ giảng về lý thuyết và triết lý của giáo dục, về các mệnh lệnh đạo đức và luân lý, về sự tất yếu phải giải quyết đứa trẻ tổng thể, một cấu trúc hình thức, xin vui lòng, về những nhu cầu cảm thấy được của đứa trẻ, nhưng không hề giảng về những tình huống khó xử trong lớp học.”
“Thay vì giảng bài, tôi lại đi kể chuyện.
Gì cũng được, miễn sao chúng yên lặng và ngồi tại chỗ.
Chúng nghĩ tôi đang dạy.
Tôi nghĩ tôi đang dạy.
Thật ra tôi đang học.
Vậy mà anh tự xưng là thầy giáo ư?
Tôi nào có tự xưng gì đâu. Tôi hơn là một ông thầy nhiều chứ.”
Lối kể chuyện đầy dí dỏm của tác giả đã khiến tôi như bị thôi miên, không khỏi bật cười thích thú, vừa hồi hộp bởi chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra và tuyệt nhiên chẳng thể rời mắt khỏi trang sách. Ngay từ trang sách đầu tiên tôi đã yêu cả người thầy và các em nhỏ. Một tâm hồn người thầy thật trong sáng và yêu thương học trò hết mực. Trái tim người thầy ấy không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn giúp cho học sinh hiểu rằng giá trị của bản thân chúng không phải từ những thứ trang sức bên ngoài mà xuất phát từ chính sức mạnh tự thân bên trong chúng, bồi dưỡng cho chúng lòng tự tin, tự hào và yêu thương chính bản thân mình.
Các cuốn sách chúng tôi giới thiệu trên đây không phải là sách về các chiến thuật, kỹ thuật dạy học để có thể áp dụng ngay vào lớp học (các thầy, cô xem mục Nghệ thuật dạy học của tạp chí). Những cuốn sách này, với mong muốn góp phần hình thành nên một hệ tư tưởng về giáo dục, hay ‘triết lý giáo dục’ của mỗi người thầy cô trong công việc giảng dạy. Triết lý giáo dục không có đúng hay sai, chỉ là phù hợp hay không phù hợp trong từng hoàn cảnh. Và trước sự đổi mới mạnh mẽ của nền giáo dục, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, thì việc có một nền tảng kiến thức vững chắc về tư tưởng giáo dục sẽ giúp người giáo viên vững vàng hơn, tin tưởng hơn vào con đường mà mình đang theo đuổi.
Trân trọng giới thiệu!
Táo Giáo Dục
Trích nội san Giáo viên hiệu quả tháng 7
Thank you.