THẦY CÔ GIÁO – NHÀ CẢI CÁCH VĨ ĐẠI…
Thông thường, các thầy cô giáo vẫn tin rằng công việc của chúng ta bị giới hạn ở bốn bức tường trong lớp học: theo dõi kết quả học tập của học sinh, đưa ra các phản hồi, dạy học sinh bài mới, kiểm tra bài cũ, lên lớp rồi xuống lớp… Nhưng chắc hẳn đã có những khoảnh khắc các thầy cô băn khoăn, trăn trở để tìm thấy những cách tiếp cận mới đối với học sinh và công việc dạy học. Nhưng cũng có khi chúng ta tự hỏi đổi mới là đổi mới cái gì? Đổi mới như thế nào? Ai sẽ là người thực hiện nó? Và câu trả lời chính là CÁC THẦY CÔ! Chính chúng ta chứ không phải bất kì một ai khác sẽ là người mang đến những thay đổi thực sự trong nền giáo dục. Vì sao ư? Vì những gì mỗi thầy cô đã làm, đang làm và sẽ làm mới thực sự tạo nên sự khác biệt trong cuộc đời mỗi đứa trẻ. Chính sự khiêm nhường, cần mẫn, bền bỉ của các thầy cô mới là điều kiện cần thiết để tạo nên SỰ THAY ĐỔI.
Đổi mới đôi khi không phải là những điều to tát như thay đổi về chương trình sách giáo khoa hay thay đổi mô hình quản lí trường học mà đơn giản là sự khác biệt mỗi ngày đến lớp. Những ngày vui cũng như khi buồn phiền, cả những ngày tràn đầy cảm hứng và động lực cũng như khi tức giận đến phát điên. Thầy cô vẫn tạo nên sự thay đổi cho dù là nhỏ nhất…
Với chúng ta đổi mới đơn giản chỉ là suy ngẫm và thay đổi mục đích của trường học, để trường học không phải là nơi chuẩn bị cho các kì thi mà là sự chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai, cho cuộc sống, thậm chí chính là cuộc sống của mỗi đứa trẻ
Sự thay đổi có khi đơn giản khi chúng ta dừng lại “lắng nghe tiếng nói của học sinh” để xem học sinh thực sự nghĩ gì và cần gì trong cuộc cải cách giáo dục này. Để “ngừng chú trọng các môn học truyền thống và trang bị cho học sinh những kĩ năng, phẩm chất để thành công”.
Đổi mới có khi là sự tiếp thu những kinh nghiệm giảng dạy loại bỏ “những thói quen xấu kìm hãm sự phát triển chuyên môn” để hướng đến “các hoạt động lấy học sinh làm trung tâm”.
Nhân vật truyền cảm hứng cho sự thay đổi quan niệm về trường học là thầy Brewer – hiệu trưởng trường trung học Fred Lynn. Thầy rất đặc biệt, với hình xăm trên tay, để đầu trọc, đi lại bằng ván trượt trong trường và thầy đã biến trường học thực sự trở thành ngôi nhà của những đứa trẻ với câu nói “nếu ngày hôm nay chưa ai nói yêu các con, thầy Bever sẽ nói rằng, thầy yêu các các con”.
Đối với nhiều thầy cô, đổi mới có nghĩa là chọn thay đổi môi trường làm việc từ trường công sang trường tư, lựa chọn một mô hình giáo dục khác hẳn để có thể “dẫn dắt sự thay đổi”. Nhưng đôi khi đó cũng là lựa chọn vô cùng khó khăn và với nhiều thầy cô giáo dường như đó là điều không thể vượt qua. “Gửi những đồng nghiệp chuẩn bị từ bỏ công việc giảng dạy” là những tâm sự của một giáo viên như vậy.
Phải nói rằng dạy học là một công việc đầy thử thách. Ngày qua ngày, từng khoảnh khắc, cứ thế trôi đi. Các thầy cô bị ngập trong đống giấy tờ sổ sách, bị cuốn vào các cuộc họp bộ môn, họp hội đồng, bị áp lực với các bài kiểm tra hay các kì thi. Nhưng cuối cùng, các thầy cô vẫn ở đây, làm công việc này. Các thầy cô vẫn đang từng ngày từng giờ tạo nên sự thay đổi trong cuộc đời những đứa trẻ.
Xin được cảm ơn tất cả các thầy cô vì điều đó!