Hoạt Động Suy Ngẫm Trong Dạy Học Phát Triển Năng Lực: Vai Trò Và Cách Thực Hiện

Trong những năm gần đây, mô hình Dạy học phát triển năng lực đang ngày càng trở nên phổ biến. Các giáo viên đã xác định được mục tiêu năng lực thay vì chỉ là mục tiêu kiến thức, đã thiết kế giờ học dựa trên các hoạt động thay vì chỉ tập trung vào nghe giảng và ghi chép, đã bước đầu chuyển sang lấy học sinh làm trung tâm của quá trình học tập. Tuy nhiên, có một vấn đề mà tôi nhận thấy khá phổ biến, đó là sự thiếu vắng của những “khoảng lặng” dành cho hoạt động suy ngẫm về các năng lực được hình thành qua hoạt động.

Trong bài viết này, tôi muốn thảo luận cùng các thầy cô về vai trò của hoạt đông suy ngẫm trong Dạy học phát triển năng lực và một số gợi ý để thực hiện hoạt động này.

Trước hết suy ngẫm là việc tái hiện, hình dung lại các bước của quá trình thực hiện hoạt động, đối chiếu nó để nhận ra những khó khăn, thuận lợi, những điều đã làm được, những điều còn thiếu sót, những ý tưởng và giải pháp mới, những điều bản thân đã thực sự làm chủ, những điều bản thân chỉ nắm được ở bề mặt… Bản chất của nó là việc tư duy về quá trình tư duy.

Hoạt động suy ngẫm có thể là một hình thức của việc kiểm tra, đánh giá. Nó chính là hình thức tự đánh giá, tự phản hồi trước khi học sinh nhận được phản hồi của giáo viên hoặc các bạn cùng lớp. Nó được thực hiện ở cả trước, trong và sau khi thực hiện hoạt động.

Nếu không có hoạt động suy ngẫm, tiết học sẽ là sự nối tiếp mê mải, liên tiếp của các hoạt động dạy học mà không hiểu hoạt động đó có mang lại hiệu quả hay không. Học sinh khi đó tham gia tích cực vào các hoạt động nhưng vẫn không có một “khoảng lặng” để nhìn lại những gì mình đã làm, để soi chiếu lại những kĩ năng, năng lực đã hình thành. Và đương nhiên, khi đó những nhận xét và phản hồi của giáo viên chỉ là những ý kiến thoáng qua, học sinh sẽ nghe nhưng không thực sự ghi nhớ và sửa chữa những vấn đề/lỗi sai mà mình đã gặp phải.

Nếu thiếu đi sự suy ngẫm của học sinh, việc học mặc dù có sự thay đổi về hình thức tổ chức hoạt động theo hướng tích cực, nhưng bản chất nó vẫn là lấy giáo viên làm trung tâm. Khi đó, giáo viên chỉ làm công việc đơn thuần là thay thế các nội dung kiến thức bằng các hoạt động để học sinh làm, nhưng ý tưởng, hướng dẫn, cách tổ chức hoạt động, nhận xét và phản hồi vẫn là của giáo viên. Học sinh vẫn chỉ là người thực hiện và tiếp nhận mà thiếu đi tâm thế và sự tích cực của cá nhân từ bên trọng.

Vậy làm thế nào để giáo viên có thể thúc đẩy quá trình suy ngẫm của học sinh trong quá trình học tập? Tôi xin đưa ra một số gợi ý để các thầy cô có thể áp dụng trong quá trình giảng dạy.

  1. Bộ câu hỏi suy ngẫm

Giáo viên có thể sử dụng các câu hỏi suy ngẫm sau, xây dựng thành các phiếu học tập và phát cho học sinh. Học sinh có thể sử dụng trong suốt quá trình thực hiện hoạt động và sau khi hoạt động kết thúc.

– So với các mục tiêu được đặt ra, em đã hoàn thành ở mức nào?

– Em thấy việc thực hiện hoạt động có những điểm thuận lợi, khó khăn nào?

– Những kĩ năng/kiến thức mà em sử dụng để có thể hoàn thành hoạt động?

– Những kĩ năng, năng lực nào em đã học được từ trong hoạt động?

– Em sẽ áp dụng các kĩ năng đã học trong các tình huống nào của cuộc sống?

– Những kĩ năng/năng lực nào em vẫn còn chưa nắm rõ? Em sẽ làm gì để cải thiện nó?

  1. Kim tự tháp suy ngẫm (kĩ thuật 3 – 2 – 1)

Giáo viên có thể tao nên mô hình của một kim tự tháp 3 tầng. Tầng đáy yêu cầu học sinh viết 3 điều em đã học được sau khi thực hiện hoạt động. Tầng giữa, hãy viết 2 điều em vẫn chưa hiểu hoặc còn thắc mắc trong quá trình thực hiện hoạt động. Tầng trên, hãy viết 1 điều em muốn biết thêm hoặc 1 điều mà em vẫn còn thắc mắc.

Giáo viên hướng dẫn học sinh trước khi thực hiện hoạt động, là công cụ định hướng cho học sinh. Sau khi hoạt đông đã kết thúc, giáo viên yêu cầu học sinh hoàn thành kim tự tháp suy ngẫm cá nhân hoặc theo cặp đôi. Giáo viên có thể gọi 1 – 2 học sinh chia sẻ với cả lớp, các học sinh khác có thể bổ sung ý kiến cá nhân.

Hãy nhớ điều quan trọng nhất không phải là việc học sinh chép lại tên để mục hay mục tiêu bài học mà mục đích muốn học sinh tái hiện và tự viết ra những điều mà chúng đã học được cũng như những điều mà chúng vẫn còn chưa rõ. Và quan trọng học, dạy học sinh biết cách nhận ra một cách chính xác những gì mình biết và những điều mà mình “tưởng là mình biết” để từ đó có sự điều chỉnh kịp thời.

  1. Kĩ thuật K – W – L – H

Kĩ thuật K – W – L – H, yêu cầu học sinh thực hiện hoạt động suy ngẫm về những điều đã biết để tái hiện những nội dung đã học và chuẩn bị cho hoạt động mới. Sau khi học sinh thực hiện xong hoạt động, giáo viên có thể yêu cầu học sinh hoàn thành hai cột L – Learnt (Điều tôi đã học được) và H – How (Tôi sẽ cải thiện như thế nào).

Hoạt động này không chỉ thúc đẩy quá trình suy ngẫm mà còn là sự chuẩn bị, liên hệ kiến thức mới và kiến thức mới, kích hoạt các kiến thức nền tảng để hoạt động được thực hiện một cách hiệu quả nhất.

K – Know (điều đã biết) W – Want to know (điều muốn biết) L – Learnt (Điều tôi đã học được) How – Như thế nào

(Tôi sẽ cải thiện như thế nào)

 

 

 

 

 

 

 

  1. Thang đo năng lực

Trước khi học sinh bắt đầu thực hiện hoạt động, giáo viên đưa ra thang đo năng lực cho học sinh và coi đó như mục tiêu tiến hành hoạt động. Thang đo có thể được đưa ra dưới dạng một bảng rubric.

Kết thúc hoạt động, học sinh sẽ có khoảng 5 phút để suy ngẫm lai về những năng lực đã được hình thành qua hoạt động và sau đó, học sinh sẽ tự đưa ra nhận xét, phản hồi cho bản thân hoặc bản của mình.

Vai trò của giáo viên có thể là tiếp tục đưa ra các nhận xét phản hồi về quá trình suy ngẫm của học sinh, chỉ ra những vấn đề mà học sinh gặp phải trong quá trình suy ngẫm, những ngộ nhận hoặc sai lầm khi học sinh tư duy về quá trình tư duy của bản thân.

Trên đây là một vài gợi ý về hoạt động suy ngẫm trong quá trình học tập, điều quan trọng nhất là khả năng đặt câu hỏi và gợi mở của giáo viên để dạy học sinh cách tư duy về quá trình tư duy, giúp học sinh liên tục nhận ra những điểm cần hoàn thiện và bổ sung trong quá trình học tập.

Tham khảo bộ tài liệu Hoạt động dạy học Phát triển năng lực – Lý thuyết đến các bước thực hiện.

Táo Giáo Dục

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *