Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta đã và đang ở trong lòng của cuộc cải cách giáo dục – một cuộc cải cách mà theo tôi, là lớn nhất và ý nghĩa nhất từ trước đến nay. Vì sao ư? Vì nó khác biệt hẳn về bản chất so với các cuộc cải cách giáo dục trước kia, nó nằm trong sự biến đổi chung của toàn thế giới, đưa giáo dục Việt Nam hòa cùng với cuộc cải cách chung mà các quốc gia khác đang tiến hành để đáp ứng được những nhu cầu cấp thiết của sự phát triển kinh tế xã hội. Vâng, cũng không cần thiết phải nói thêm nhiều về ý nghĩa hay tầm vóc, quy mô của cuộc cải cách này. Nhưng liệu rằng nó sẽ thành công hay thất bại? Chúng ta có rút được những bài học kinh nghiệm từ những thất bại và học hỏi được thành công của các quốc gia đi trước không? Đó thực sự là những vấn đề đáng phải lưu tâm.
Trong tập san Giáo viên hiệu quả tháng 7/2019 này, chúng tôi dành sự quan tâm vào chủ đề “ĐỔI MỚI GIÁO DỤC”. Chúng tôi cho rằng, bên cạnh những vấn đề mang tầm vóc vĩ mô, điều cốt lõi nhất, cải cách giáo dục cần được nhận thức sâu sắc từ mỗi một giáo viên, mỗi học sinh, phụ huynh và cả nhà trường. Chỉ khi nào chúng ta có cùng một tầm nhìn, một sứ mệnh và cùng chia sẻ những khó khăn, loại bỏ bớt những xung đột trong quá trình diễn ra những đổi thay, cuộc cải cách này mới có thể thành công. Ở góc độ mỗi giáo viên, chúng ta phải hiểu rõ được về những khái niệm mới của giáo dục hiện đại như “dạy học phát triển năng lực”, có nhận thức về những xu thế của nền giáo dục trong tương lai, biết được “những điều sẽ còn ở lại và những thứ sẽ biến mất khỏi các lớp học”, biết cách “xác định mục đích, ý nghĩa và các chiến thuật trong việc xây dựng chương trình”. Ở góc độ nhà trường, trước tiên hiệu trưởng phải “vượt qua được cuộc thử thách để giữ chân giáo viên”, phải “xây dựng được một văn hóa trường học tích cực”. Từ góc độ của những người làm công tác quản lý giáo dục, hơn ai hết, cần hiểu rõ “những đúng sai của các cuộc cải cách giáo dục”, suy ngẫm về “những sai lầm của các cuộc cải cách giáo dục” ở các quốc gia khác. Để từ đó mà hình thành nên “các ý tưởng lớn giúp các trường học cải thiện chất lượng giáo dục”….
Sẽ không có một cuộc cải cách giáo dục thực sự, sẽ không có bất kì đổi thay đáng kể nào nếu như những yếu tố trên không được tiến hành đồng bộ, với lộ trình phù hợp. Trong đó, điều đầu tiên, nhân tố cốt lõi nhất chính là đội ngũ giáo viên – linh hồn của cuộc cải cách giáo dục lần này.