Trong vai trò là giáo viên, tất cả chúng ta đều phải làm công việc chấm bài và cho điểm. Điều này cũng giống như trong các môn thể thao, khi mà các huấn luyện viên buộc phải nhìn vào các điểm số để quyết định một vận động viên có được tham gia thi đấu hay không. Hay, như các trường đại học phải xem bảng điểm, để kiểm tra các môn học mà sinh viên đã tham gia và liệu có đủ điều kiện để tham gia các môn học tiếp theo không. Chúng ta phải tuân theo những quy định của công việc giảng dạy, phải nhập một số lượng điểm nhất định hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng kì. Nó là câu chuyện xưa như trái đất. Tuy nhiên, một thực tế là chúng ta cần suy ngẫm về việc chấm điểm cho học sinh hiện nay. Trọng tâm của việc chấm điểm là gì? hoặc trọng tâm của việc học là gì? Điểm số nên và có thể phản ánh việc học của học sinh như thế nào? Có khi nào điểm số tác động tiêu cực, làm tổn hại đối với việc học của học sinh? Đó cũng chính là nội dung trọng tâm của tập san Giáo viên Hiệu quả số 24 với chủ đề “Đánh giá trong dạy học”.
Trong tập san này, chúng tôi sẽ cùng các thầy cô tìm hiểu về vai trò của đánh giá thường xuyên đối với quá trình dạy học và “làm sao để có thể đánh giá được năng lực người học”, “các bài kiểm tra có đánh giá được năng lực của học sinh?”. Câu trả lời cho các vấn đề đó sẽ được đề cập trong các bài viết “Kinh nghiệm của giáo viên trong quá trình đánh giá học sinh” “Đánh giá năng lực người học” hay “Làm sao để phụ huynh tham gia vào quá trình đánh giá”. Đối với các giáo viên trẻ, những người sẽ đối mặt và làm quen với việc đánh giá, tập san cũng chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích như “7 lời khuyên dành cho giáo viên mới trong việc chấm điểm” hay “các mẫu rubric dành cho giáo viên”,… Trong số tập san lần này, chúng tôi cũng đặt ra những vấn đề như “Điểm số không đo lường được trí thông minh” hay “Điều mà các giáo viên thực sự nghĩ về các bài kiểm tra” để cùng các thầy cô suy ngẫm về công việc mà chúng ta đang làm hàng ngày.
Phải nói rằng, đánh giá trong quá trình dạy học là công việc rất khó, để những đánh giá có thể phản ánh được năng lực của học sinh còn khó hơn nhiều lần. Chính vì thế, sứ mệnh của mỗi thầy cô trong công việc giảng dạy là không ngừng thay đổi trong cả tư duy và cách tiếp cận, để có thể giúp cho điểm số cùng công việc đánh giá trở về đúng với ý nghĩa ban đầu như nó vốn có.
Táo Giáo Dục