Dạy học phát triển năng lực đã, đang và sẽ là chủ đề thu hút sự quan tâm của các giáo viên và nhà trường trong những năm gần đây. Không nghi ngờ gì nữa, mọi người đều thừa nhận sự cần thiết, tính đúng đắn cũng như nhu cầu cấp thiết phải thay đổi nội dung và phương pháp giảng dạy, để phát triển năng lực của học sinh, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhưng câu chuyện giữa nói và làm, giữa chủ trương và thực tiễn, giữa những lý thuyết giáo dục và thực tiễn xảy ra trên lớp học luôn là những khoảng trống không dễ dàng có thể lấp đầy. Quá trình chuyển đổi từ mô hình dạy học truyền thống sang mô hình dạy học phát triển năng lực sẽ đưa đến vô vàn những khó khăn. Hơn ai hết, chính các giáo viên sẽ là người nắm lấy sứ mạng cao cả trong cuộc cải cách. Chính chúng ta sẽ là người tạo nên những thay đổi vững chắc và bền lâu trong giáo dục, để dạy học phát triển năng lực trở thành hiện thực trong lớp học, để những giá trị của nó thực sự đến được với học sinh.
Tập san Giáo viên Hiệu quả số 25 – số đầu tiên của năm mới, chúng tôi muốn cùng đồng hành với các thầy cô trong quá trình dạy học phát triển năng lực. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu “định nghĩa mới nhất về dạy học phát triển năng lực” với 7 đặc trưng cơ bản. Chúng tôi cũng giới thiệu “mẫu giáo án phát triển năng lực” để các thầy cô giáo có thể áp dụng trong quá trình dạy học. Trong số này, chúng tôi dành khá nhiều bài viết mang tính chia sẻ, suy ngẫm về những hạn chế của “mô hình tổ chức lớp học theo độ tuổi” ở các trường học truyền thống; về “những mặt trái của dạy học phát triển năng lực” hay “Tại sao dạy học phát triển năng lực đang làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng giáo dục ở Mỹ”…
Như đã nhấn mạnh ở trên, quá trình chuyển sang dạy học phát triển năng lực sẽ là một cuộc hành trình dài. Trong đó, giáo viên cần có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về lý thuyết cũng như thực tiễn giảng dạy với một tinh thần cầu thị và thái độ tích cực. Chỉ khi nào, các giáo viên thực sự sẵn sàng, dám dũng cảm đối mặt với khó khăn, dám thử thách bản thân mình với những phương pháp giảng dạy mới, dám thay đổi trong quan điểm và cách tiếp cận, chúng ta mới có thể có được những thành công mà chúng ta mong muốn. Và cũng chính bằng cách đó, chúng ta mới tránh được những rủi ro mà các quốc gia đi trước đã gặp phải.
Táo Giáo Dục