“Học mà chơi, chơi mà học” là một khẩu hiệu được đề cập đến từ khá lâu trong dạy học, nhưng có lẽ nó chỉ được nhắc đến nhiều nhất trong các trường mầm non hay tiểu học. Từ lâu việc học bị nghiêm túc hóa, hay đúng hơn là bị nghiêm trọng hóa trở thành những khuôn thước, những chuẩn mực trong nhiều trường hợp trở thành hoạt động khô cứng thiếu đi niềm vui và sự thoải mái. Dường như giáo viên, phụ huynh cũng như các cấp quản lý giáo dục sẽ khó chấp nhận việc áp dụng trò chơi trong lớp học. Mọi người sẽ đưa ra vô vàn những lý do khác nhau. Đó có thể là do môi trường lớp học không phù hợp, hoặc nó không giúp học sinh đạt điểm cao trong các kì thi, hay không đủ điều kiện cơ sở vật chất, cũng có khi là do giáo viên không sẵn sàng… Nhất là đối với các bậc phụ huynh, những trải nghiệm thời đi học (khi các trò chơi điện tử là một hành vi không được phép) đã khiến họ không muốn con cái họ tham gia vào các trò chơi dưới bất kì hình thức nào.
Nhưng, cho dù chúng ta có muốn hay không, việc sử dụng các trò chơi học tập và dạy học thông qua trò chơi vẫn đang trở thành một xu thế bởi những lợi ích không thể phủ nhận của nó. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi các thiết bị công nghệ ngày càng phổ biến, khi học sinh có sự thay đổi về suy nghĩ về việc học tập. Chính vì thế, trong nội san Giáo viên Hiệu quả số tháng 4/2020, chúng tôi muốn dành toàn bộ thời lượng để đề cập đến vai trò của trò chơi trong dạy học, những cách để lựa chọn trò chơi trong dạy học, hay kinh nghiệm để áp dụng mô hình học tập qua trò chơi trong lớp học. Đồng thời, chúng tôi cũng giới thiệu các nguồn tài nguyên, các trò chơi, các website và ứng dụng để các thầy cô có thể tham khảo và sử dụng trong quá trình giảng dạy.
Chúng tôi tin rằng, trong tương lai không xa, khi các trường học được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ hơn, khi quan niệm của phụ huynh có sự cởi mở hơn, khi các cấp quản lý giáo dục có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn, việc sử dụng trò chơi trong lớp học sẽ trở nên phổ biến. Và đó cũng là cách thực sự hiệu quả để thu hút học sinh tham gia, tương tác tích cực trong quá trình học tập, để “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”.
Táo Giáo Dục