Trong những ngày nghỉ vừa qua, tôi đã dành thời gian để đọc cuốn sách của GS Phan Văn Trường với tựa đề “Một đời như kẻ tìm đường”. Hai chữ “tìm đường” cứ quanh quẩn bên tôi khi nghĩ về bản thân mình về quá trình thay đổi nội dung và phương pháp giảng dạy khi chuyển sang mô hình dạy học phát triển năng lực. Nếu như ở số trước, chúng ta đã tập trung làm rõ khái niệm Dạy học phát triển năng lực với những đặc trưng và những điểm hạn chế của nó, thì trong số này, tôi muốn cùng các thầy cô đi sâu, nghiên cứu, tìm hiểu kĩ hơn về vấn đề thử thách nhất, đó chính là “Đánh giá năng lực”. Khi nghĩ về Đánh giá năng lực, tôi nhận thấy rằng, các thầy cô và cả những người làm công tác quản lý đều đang cố gắng, nỗ lực hết sức để “tìm đường”, để lựa chọn được hình thức, công cụ, để xây dựng được các tiêu chí đánh giá, để phát triển khung năng lực riêng của mỗi nhà trường, để thay đổi cách đưa phản hồi đến giáo viên và phụ huynh… Đó sẽ là một chặng hành trình dài, mà mỗi thầy cô liên tục phải suy ngẫm, kiếm tìm để có thể có được cách làm đúng đắn và phù hợp.
Trong số tập san Giáo viên hiệu quả tháng 2/2020 này, tôi muốn cùng các thầy cô tìm hiểu kĩ hơn về các kĩ thuật Đánh giá năng lực, từ việc “Xây dựng khung năng lực” cho đến việc đưa ra các “Mẫu ví dụ về đánh giá năng lực trong một số bộ môn” nhằm giúp các thầy cô có hình dung cụ thể về lộ trình, các bước làm cụ thể khi áp dụng trong quá trình giảng dạy. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhấn mạnh đến vai trò của các bên liên quan như các “Tiêu chuẩn năng lực dành cho lãnh đạo trường học trong mô hình Đánh giá năng lực” ; “Giúp phụ huynh hiểu về đánh giá năng lực” hay làm thế nào để “Giảm áp lực và căng thẳng của giáo viên trong các kì thi”… Trong phần Góc chia sẻ, chúng tôi cũng đề cập đến “Những khó khăn khi chuyển sang mô hình Đánh giá năng lực” để các thầy cô có thể lường trước được những thách thức trong tương lai và tìm ra cách giải quyết.
Nếu quá trình chuyển sang mô hình dạy học phát triển năng lực là môt hành trình dài và nhiều gian nan, thì Đánh giá năng lực dường như là phần khó khăn nhất trong quá trình đó. Nhưng nếu không nỗ lực “tìm đường”, nếu không mạnh dạn chuyển đổi, nếu không thoát khỏi những thói quen và phương pháp đánh giá truyền thống, chúng ta sẽ không thể tạo nên được những chuyển biến thực sự trong cuộc cải cách này. Chỉ có tìm ra những cách làm mới, chúng ta mới có thể đưa Đánh giá năng lực đi vào thực tiễn lớp học trong công việc giảng dạy.