Từ xưa đến nay, việc học vẫn gói gọn trong những khuôn khổ thông thường, những giới hạn và cách làm quen thuộc. Nghĩ về một lớp học, người ta dễ dàng hình dung không gian của bốn bức tường, với bảng đen, phấn trắng, bàn ghế…. Nghĩ về nội dung, chương trình học tập, là nói đến một cuốn sách giáo khoa, được chia thành các bài học. Còn hoạt động học tập trong lớp học sẽ là một ông thầy, giảng giải các nội dung trong sách, học sinh lắng nghe, ghi chép và luyện tập rồi đi thi. Cứ thế học sinh đi từ Mầm non lên Tiểu học, từ THCS đến THPT, rồi tốt nghiệp Đại học. Dường như, những điều đó đã quá quen thuộc, quen thuộc đến mức chúng ta không còn muốn chấp nhận một điều gì đó khác biệt hay thử thách một cái gì đó mới mẻ hơn.
Nhưng một ngày kia, khi những cách dạy, cách học, cách thi bỗng nhiên bị thách thức bởi vô vàn những yếu tố mới nảy sinh từ ngay chính nội tại của quá trình dạy học: Học sinh không còn chịu khó lắng nghe. Những kiến thức mà thầy cô vẫn dạy trước kia dễ dàng được tìm thấy trên mạng internet. Người thầy không còn giữ được vị trí độc tôn về tri thức. Những học sinh đỗ điểm cao trong các kì thi, được vinh danh, trao giải, được vào các trường đại học, nhưng tỉ lệ thất nghiệp cũng ngày càng cao… Tất cả những điều đó, khiến chúng ta những thầy cô giáo bắt đầu phải suy ngẫm về sự thay đổi trong nội dung và cách thức tổ chức hoạt động dạy học. Đã đến lúc, chúng ta phải lựa chọn những lý thuyết, những cách tiếp cận mới để giúp học sinh chuẩn bị cho cuộc sống và nghề nghiệp trong tương lai. Để chúng có thể sẵn sàng cho thế giới không ngừng biến đổi và đòi hỏi sự hợp tác và sáng tạo. Và dạy học Dự án là một giải pháp mà chúng tôi thực sự muốn đề cập đến.
Trong tập san Giáo viên hiệu quả, số tháng 3/2020 với chủ đề Dạy học Dự án, chúng tôi muốn đưa những lý thuyết về mô hình dạy học này đến gần hơn với các thầy cô và lớp học bằng những kinh nghiệm và chiến thuật cụ thể. Các thầy cô có thể tìm thấy “lời khuyên để xây dựng các bài học học tập dựa trên dự án” hay “cách để thu hút học sinh tham gia trong học tập dự án”. Để các thầy cô có thêm những tài liệu hỗ trợ cho công việc, chúng tôi cũng giới thiệu các “nguồn tài nguyên trong dạy học dự án mà giáo viên không nên bỏ qua”; “mẫu nhật kí dạy học dự án” và các “mẫu kế hoạch khi triển khai dạy học dự án”… Đồng thời, các thầy cô cũng có những kinh nghiệm trong việc phối hợp giữa các bên trong quá trình triển khai như: “giúp phụ huynh hỗ trợ con trong dạy học dự án” và cách triển khai dạy học dự án trong trường học…
Trong quá trình triển khai, áp dụng dạy học dự án, các thầy cô sẽ không tránh khỏi những khó khăn, thử thách đến từ nhiều phía. Nhưng chúng tôi tin tưởng rằng, khi các thầy cô đã ý thức được sự cần thiết phải thay đổi, nắm được các bước làm cụ thể, có các công cụ hỗ trợ hiệu quả, chắc chắn dạy học dự án sẽ được tổ chức thành công trong lớp học.